Di tích khảo cổ Đàn Nam Giao (Thăng Long)

Năm 2006, Viện Khảo cổ học đã đào thám sát ở địa điểm 114 Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (trụ sở Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo) tức là khu vực phía Nam, trên phần đất còn lại của đàn Nam Giao, với diện tích đào là 101,06 m². Tiếp theo, vào các năm 2007 và năm 2008 Viện Khảo cổ học và Ban quản lý di tích - danh thắng Hà Nội đã tiến hành ba đợt khai quật khảo cổ học trên phần đất còn lại của khu di tích đàn Nam Giao và một đợt di dời toàn bộ phần móng còn lại của kiến trúc nhà chữ công thời Lý về kho tạm Đống Thây (quận Đống Đa, Hà Nội), với tổng số diện tích khai quật 1.805 m².[7]

Kết quả khảo cổ đã phát hiện được khá nhiều viên gạch thời Lý in hàng chữ Hán: “Lý Gia đệ tam đế Long Thuỵ Thái Bình tứ niên tạo” (tức năm 1057) ở lớp văn hoá dưới cùng, cho thấy nhiều khả năng đàn Nam Giao có từ rất sớm[7].

Năm 2014, trong khi xây dựng hầm tòa Nhà Quốc hội, Viện Khảo cổ học đã phát hiện một di tích đặc biệt với hình thù rất lạ với chất liệu chủ yếu bằng gỗ và đá. Viện Khảo cổ học tổ chức hội thảo quốc tế đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn, nghiên cứu di tích bí ẩn vừa phát lộ. Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc. Các ý kiến tại hội thảo đều công nhận đây là kiến trúc tâm linh để tế Thượng đế và Ngũ đế có phối hưởng tế tự liệt tổ, liệt tông của hoàng đế nhằm khẳng định tính chính đáng của Vương triều được Trời trao thiên mệnh, một loại kiến trúc không thể tách rời trong cấu trúc tổng thể của các vương đô cổ phương Đông.[11].

Niên đại của di tích từ khoảng năm 1010 - 1048 và sau đó vẫn tiếp tục được sử dụng cho đến giữa thế kỷ XII. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam kết luận: “Đây là di tích văn hóa tâm linh thuộc loại sớm nhất của Việt Nam, là di tích tâm linh độc đáo chỉ có ở kinh đô đầu triều Lý. Trong bối cảnh phương Đông đương thời, đây là loại di tích thể hiện tinh thần tự chủ, tự cường cao của Đại Việt thời Lý”[11]. Qua đó có thể thấy, trước khi xây dựng Đàn Nam Giao tại vị trí quận Hai Bà Trưng ngày nay, đã có thể tồn tại đàn tế trời ngay trong Hoàng thành những ngày đầu khi nhà Lý mới dời đô về Thăng Long.

Tổng quan kết quả khai quật

Dấu tích kiến trúc và di vật khai quật được ở di tích đàn Nam Giao tại quận Hai Bà Trưng đã cho thấy giữa tài liệu thành văn và tài liệu khảo cổ học hoàn toàn khớp nhau về sự có mặt của đàn Nam Giao ở khu vực này. Di tích khảo cổ gồm có tầng đất mặt, tầng văn hóa đàn Nam Giao và tầng sinh thổ.

  • Tầng đất mặt: Dày từ 1,05 m đến 1,94 m. Gồm hai lớp đất:
    • Lớp văn hoá hiện đại: đất lẫn gạch ngói bê tông, trụ móng nhà, bệ máy được hình thành từ khoảng 1957 đến 1985.
    • Lớp văn hoá cận đại: đất san lấp, có chỗ tương đối thuần, màu nâu. Tầng đất được hình thành vào khoảng đầu thế kỉ XX, có thể là khi xây dựng nhà máy diêm thời Pháp thuộc. Các ngôi mộ táng ở thế kỉ XX có miệng huyệt bắt đầu từ tầng đất này.
  • Tầng văn hóa đàn Nam Giao. Gồm 2 lớp:
    • Lớp 1: Lớp đất đắp nền đàn màu nâu xám, lẫn chủ yếu là gạch ngói vụn thời Lê được đầm chặt và phân bố rộng. Đây là lớp đất mặt đàn ở bên trên cùng của di tích đàn Nam Giao. Miệng huyệt của các ngôi mộ thế kỉ XI - X đều bắt đầu từ tầng đất này.
    • Lớp 2: Chủ yếu là tầng đất sét vàng xám được đắp tương đối dày với các vết tích của vật liệu kiến trúc thời Lê sơ và thời Lý-Trần. Độ sâu và độ dày của lớp này tùy thuộc vào vị trí của mỗi hố.
  • Tầng Sinh thổ: tầng đất gốc, có 3 lớp đất sau:

Qua các hố đào ở khu vực này thì thấy khu vực đàn Nam Giao có nhiều gò đất nhỏ được san, bạt và đắp nối liên kết với nhau để tạo thành nền, có xu hướng dốc dần về phía Đông, phía Nam[7].

Dấu tích khảo cổ thời Lý

Các mẫu ngói lá đề thời Lý (ảnh minh họa)

Di tích kiến trúc thời Lý được phát hiện gồm có:

- Đường móng rải mảnh sành: Về cấu trúc, đường móng sành rộng trung bình khoảng 0,60 m, và được dải bằng nhiều lớp đất sét đầm nện với nhiều lớp mảnh sành thời Lí. Đây là móng của ngôi nhà có quy mô lớn, bố cục hình chữ Công thời Lý.Trong và ngoài nhà, chỉ tính những trụ móng đã phát hiện được, đã có tới 46 trụ móng làm từ mảnh sành và trụ móng làm từ mảnh bao nung. Móng của ngôi nhà có tổng chiều dài là 39 m, rộng nhất 22,65 m, chia làm 3 phần:

Nhà ngang phía Nam: chiều Bắc Nam 22,65m, chiều Đông Tây là 8,8 m - 9 m.

Ống muống: là bộ phận kiến trúc nối 2 ngôi nhà ngang với nhau, chiều Bắc Nam 13,10 m - 13,50 m, chiều Đông Tây đến 7,20 m - 7,80 m.

Nhà ngang phía Bắc: chiều dài Bắc Nam là 16,50 m, chiều Đông Tây do bị mất nên có thể tham khảo chiều Đông Tây của nhà ngang phía Nam.

- Ngoài ngôi nhà này còn phát hiện được 1 kiến trúc nhà khác có trụ móng bằng sỏi, phân bố ở các hố 10 Nam, hố 7, hố 6.

- Các móng trụ bằng mảnh sành: Bên trong và ngoài đường móng sành đã tìm được 46 móng trụ sành và bao nung, cơ bản trụ có dáng hình vuông (90 cm x 90 cm), cũng có móng trụ gần hình chữ nhật, (116 cm x 85 cm), có móng trụ có kích thước 90 cm x 80 cm. Các móng trụ đặt khá ngay ngắn, quy chỉnh.

- Nền sân: Nền sân phía Đông còn tương đối nguyên vẹn, được đắp bằng đất sét, bên trên có dấu tích lát gạch hình chữ nhật hoặc gạch vuông. Trên sân nền có dấu tích vật liệu kiến trúc đổ xuống và gạch lát trên sân bị đào dỡ.

Di vật tiêu biểu thời Lý:

Đầu phượng ngậm ngọc thời Lý (ảnh minh họa)Đầu rồng và đầu quái thú thời Lý (ảnh minh họa)

Đợt khai quật năm 2007 và 2008 tìm thấy 214.521 di vật các loại như mảnh gạch ngói, gốm men Việt Nam và Trung Quốc, đồ sành, vật liệu trang trí kiến trúc như: lá đề trang trí rồng, phượng; gạch lát nền trang trí hoa cúc, hoa mai, trong đó di vật thời Lý chiếm số lượng lớn, chủ yếu là đồ sành và vật liệu kiến trúc.

- Gạch bìa: màu đỏ, chất liệu mịn, độ nung cao, kích thước: 38,5 cm x 19c m x 5 cm; 37,6 cm x 19,5 cm x 4,5 cm. Nhiều viên còn nằm nguyên vị trí bó móng nền nhà chữ Công. Gạch bìa có hai loại: Loại không trang trí, không có chữ và loại ở mặt phải in nổi 2 hàng chữ Hán theo chiều dọc: “Lý Gia đệ tam đế Long Thuỵ Thái Bình tứ niên tạo” (năm 1057).

- Gạch vuông lát nền trang trí cúc đây hình sin, cuốn thành những đường tròn nổi.

- Ngói trang trí lá đề: Có hai loại: Lá đề cân và lá đề lệch trang trí rồng và phượng. Diềm lá đề tạo các ngọn lửa rõ ràng, chi tiết. Giữa lá đề trang trí hai hình chim phượng, có 1 hoặc 2 chân, hoặc trang trí hình hai con rồng, bốn con rồng ở tầng trên và tầng dưới cùng nâng ngọn lửa thiêng. Các chi tiết tỷ mỉ, tinh tế mang phong cách thời Lý như đã thấy ở nhiều di tích thời Lý khác. Cuống lá đề lệch chủ yếu là hình mây 3 chẽ cong mềm mại, ôm lấy viên ngọc báu đang toả nhiều quầng sáng. Đặc biệt là loại lá đề hình ngọn lửa có niên đại Lý sớm rất điển hình của di tích này.

- Ngói lợp: Ngói ống dài 35 cm, đầu ngói 16 cm có in nổi hình hoa sen 2-3 lớp cánh, có loại trên lưng ngói gắn lá đề cân trng trí rồng, phượng.

- Đầu chim phượng: Kích thước khá lớn, dài 50 cm, rộng 24 cm, dày 23 cm. Mỏ phượng to khỏe ngậm ngọc mắt thon dài, lông mày cong, má mang xoáy cong, các chi tiết trang trí tỉ mỉ, tinh tế.

- Đầu quái thú: Màu đỏ tươi, mắt lồi, gờ mày cao, nhe rănh, mồm há rộng, diềm các bộ phận như lông mày, mồm, mang trang trí nổi băng soắn hình dấu hỏi tinh tế.

- Đồ gốm sứ: Đồ gốm sứ thế kỉ XI-XIII có các dòng men: Men trắng, gốm men ngọc, gốm hai màu men (Trong men trắng, ngoài men nâu).

- Đồ sành: Chiếm số lượng nhiều nhất, tập trung ở đường móng và trụ sành, hầu hết đều không trang trí hoa văn. Một số vò gốm cùng loại đã phát hiện được ở đàn Xã Tắc và hoàng thành Thăng Long.

Qua quy mô của ngôi nhà hình chữ Công ở khu vực phụ, cùng với sự trang trọng, cầu kì trong vật liệu và trang trí kiến trúc, đã cho thấy thời Lí đã rất chú trọng tới tế Nam Giao.

Dấu tích khảo cổ thời Trần

Gạch lát nền trang trí hoa cúc thời Trần (ảnh minh họa)Gạch lát nền thời Trần - Hồ hình hoa cúc nhiều lớp cánh trong hình lục lăng (ảnh minh họa)

Di tích kiến trúc thời Trần là dấu tích các móng trụ bằng sỏi và con đường đi rải ở các hố H1, H2, 6, 7 và H1.

- Các móng trụ sỏi: kích thước 140 cm x 140 cm, cũng có trụ nhỏ hơn một chút: 112 cm x 120 cm. Các trụ móng ở hố 10 Nam chồng lên trên đường sành thời Lí. Các móng trụ ở hố H6 và H7 cùng với các trụ ở hố 10 Nam là của một kiến trúc khác dịch lui về phía Nam so với móng nhà chữ Công. Đây là một kiến trúc khá lớn, nhưng rất tiếc là không thể khai quật được bởi vì một toà nhà hiện đại lớn nằm đè lên trên. Các móng trụ sỏi này đều được đầm nện hết sức chắc chắn: bên dưới có các khối đá xanh, bên trên là sỏi nhồi chặt.

- Dấu tích đường rải sỏi: chạy theo hướng Đông Tây, phần đã xuất lộ dài 1 5m rộng 2,30 m đến 2,45 m, dày 20 cm-27 cm. Một nền lát gạch thời Lê và những ngôi mộ thế kỉ XIX- XX đã cắt nát con đường này. Các dấu tích trên đây được xác định thuộc thời Trần vì tại những hố này đã phát hiện được khá nhiều vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc và đồ gốm thời Trần.

Di vật tiêu biểu thời Trần:- Vật liệu kiến trúc gồm có ngói sen, ngói mũi vát, lá đè cân và lệch, gạch lát nền trang trí hoa chanh, trang trí hoa cúc nhiều lớp cánh trong hình lục lăng, các góc có các đường chéo nổi, khi ghép nhiều viên lại sẽ có một băng hoa cúc liên hoàn như đã thấy ở Li Cung - thành nhà Hồ, đàn Nam Giao nhà Hồ, gạch bìa màu đỏ độ nung cao có các đường chải trên cạnh và mặt gạch, gạch lát nền hình vuông không trang trí hoa văn, ngói ống trang trí hoa sen.Đặc biệt là sự có mặt của loại gạch đặc trưng của thời Trần, đó là gạch Vĩnh Ninh Trường. Tượng uyên ương và lá đề trang trí rồng, phượng cũng chiếm số lượng nhiều hơn thời Lý và có mặt ở khá nhiều hố.

- Đồ gốm sứ: Chiếm số lượng chủ yếu không phải là đồ gốm sứ thời Lý mà là là đồ gốm sứ thời Trần với khá nhiều dòng gốm như gốm men nâu, men ngọc, men ngà, gốm lam mờ, và gốm hoa nâu, chủ yếu là mảnh thạp, lư hương, bát đĩa.

Dấu tích khảo cổ thời Lê

Dấu tích kiến trúc thời Lê Trung Hưng:

- Móng trụ: Một chiếc có dáng hình tròn (hố H6). Vật liệu xây dựng móng trụ là các mảnh ngói ống, ngói âm dương màu xám, nâu đỏ. Có 2 nền sân lát gạch.Một nền lát toàn bộ bằng gạch vồ, nền còn lại lát bằng nhiều loại gạch khác nhau.

- Sân gạch vồ: Nền sân lát gạch vồ thời Lê Trung Hưng nằm đè lên toàn bộ móng nhà chữ Công ở hố 10. Sân này đã bị phá, chỉ còn lại một số mảng. Đây là một sân rộng, khoảng 30 m x 40 m, đầu phía bắc của sân có một khối trụ gạch vồ lớn: Cạnh đáy (theo chiều Bắc- Nam) dài 1,33 m, chiều Đông- Tây 1,62 m. Chiều cao của khối là 0,80 m, khối được xây bằng đất sét mịn, đất miết mạch dày 0,03 - 0,04 m. Khoảng giữa của trụ gạch có tạo một khe theo chiều Bắc- Nam rộng 0,21 m, sâu 0,40 m, ở mặt phía Tây cũng tạo một khe. Trụ này có thể là cột cờ.

- Sân lát bằng nhiều loại gạch khác nhau: Nền sân gạch nằm ở hố H11 và H12 được lát bằng gạch vồ và gạch bìa, gạch múi bưởi, gạch vuông nhiều thời được tận dụng lại, thậm chí cả mảnh mái tháp đất nung. Gạch vồ có nhiều cỡ khác nhau, cỡ to 43 cm x 19 cm x 12 cm; cỡ nhỏ 34 cm x 16 cm x 9 cm. Các viên gạch được xếp nằm theo hướng Bắc Nam. ở một vài vị trí, nền được xếp chen lẫn các viên gạch hoa lát nền thời Lý và thời Trần. Một viên còn lành nguyên in nổi hình hoa mai tròn. Viên gạch này giống hệt với các viên gạch lát ở di tích Li Cung của nhà Hồ ở Thanh Hóa.

Các vết tích kiến trúc này được xác nhận khoảng thế kỷ XVII thời Lê Trung Hưng vì kiến trúc nằm ở lớp cao nhất của tầng văn hóa. Các vết tích này đều nằm đè lên dấu tích kiến trúc Lý-Trần. Vật liệu xây dựng là các loại gạch điển hình của thời Lê (gạch vồ) và thỉnh thoảng có chỗ sử dụng lại gạch Bắc thuộc, gạch thời Lý, gạch Trần. Nền sân này cũng bị phá và chia cắt thành nhiều mảng do những ngôi mộ thời Nguyễn và mộ thế kỉ XX chôn vào, cùng với việc cạy gạch ở nền sân để kè bao xung quanh những mộ.

Di vật tiêu biểu thời Lê sơ và Lê Trung Hưng:Hiện chưa tìm thấy dấu tích kiến trúc thời Lê sơ mà chỉ tìm thấy các di vật thời Lê sơ như: ngói ống tráng men vàng có trang trí rồng năm móng, dấu tích các lần sửa chữa của năm Quang Thuận và Quang Hưng cũng không rõ ràng lắm. Dấu tích còn khá rõ, có thể của lần sửa chữa năm 1664 qua nền gạch vồ (hố H11 và H12), các di vật ngói, cặp tượng nghê-sấu trang trí trên nóc của kiến trúc. Ngói âm dương tráng men vàng, đầu ngói in nổi rồng uốn cong bốn góc hình sao, trang trí diềm mái men vàng các loại phát hiện được nhiều nhất tại khu vực này.

- Ngói: Gồm có ngói âm dương tráng men vàng thế kỉ XV-XVI, ngói âm dương màu xám từ thế kỉ XVthế kỉ XVII, XVIII, đầu ngói trang trí rồng hoặc hoa cúc.

- Gạch: gạch vồ xám: 43 cm x 19 cm x 12 cm; 42 cm x 21 cm x 12 cm; 34 cm x 16 cm x 9 cm.

- Trang trí diềm mái: có hai loại, loại tráng men vàng và loại không có men, màu xám

- Đầu tượng nghê - sấu: có năm con bằng đất nung màu xám đen, trong đó có ba con còn tương đối nguyên vẹn. Tượng lớn: 45 cm x 24 cm x 15 cm, tượng nhỏ: 39 cm x 24 cm x 11 cm.

Kết luận khảo cổ

Như vậy, cấu trúc của đàn Nam Giao cổ rất phức tạp và lớn rộng. Tại hiện trường khảo cổ mới đào một diện tích rất nhỏ. Các di tích này lại chồng chéo và bị phá hủy nặng nề do việc xây dựng nhà máy, việc xây cất mộ táng do đó rất khó nhận biết được vị trí của nó trong cấu trúc tổng thể của đàn Nam Giao. Vì vậy chỉ có thể nhận định bước đầu là đã chắc chắn tìm thấy một bộ phận của dấu tích đàn Nam Giao qua các thời Lý - Trần - Lê. Bộ phận dấu tích này một phần thuộc về các kiến trúc co mái, một phần thuộc về sân nền của đàn Nam Giao. Các bộ phận đó thuộc vị trí nào và là các kiến trúc nào của đàn Nam Giao thì hiện nay chưa thể xác định được[7].